Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Bài thơ VỚI CON tác giả Thạch Quỳ



Với Con
Tác giả: Thạch Quỳ

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.


https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A1ch_Qu%E1%BB%B3
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 tại thôn Đông Bích, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An, nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là người thông thạo Hán học, thân mẫu tuy không biết chữ nhưng lại thông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, truyện Kiều... Năm 1960, ông học ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh, cùng năm này, ông có bài thơ đầu tiên được đăng trên Văn nghệ quân đội có tựa "Mà thương cũng nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông có một thời gian làm giáo viên Toán cấp 3 tại Nghệ An sau đó công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện ông sống ở thành phố Vinh, Nghệ An,228 Phong Đình Cảng

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

CÁC TẬP THƠ:
  • Sao và đất (1967)
  • Tảng đá nhành cây (năm 1973)
  • Điệu hát nguồn sống và đất (năm 1978).
  • Nguồn gốc cơn mưa (1978)
  • Cuối cùng vẫn một mình em (năm 1986)
  • Đêm Giáng sinh (năm 1990)
  • Bức tường (2009).
NHỮNG BÀI THƠ NỔI TIẾNG:
  • Với con:
Là tác phẩm ông viết năm, được đăng trên báo Văn nghệ năm 1980 trên trang dành cho thiếu nhi. Bài thơ đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng cũng để lại cho ông nhiều tai tiếng, thậm chí có người nghi ngờ thái độ chính trị của ông qua bài thơ đến nỗi Xuân Diệu phải thay mặt Hội Nhà văn vào Nghệ An giải thích. Bài thơ có những câu như:
Con ơi con, trái đất thì tròn Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật Tất cả đấy đều là sự thật Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
Vì thế những lời cha dặn dò Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất Cha mong con lớn lên chân thật Yêu mọi người như cha đã yêu con
  • Đợi em ngày giáp tết:
Đây là bài thơ viết về tình yêu của ông, có những vần thơ rất đặc sắc
Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về

Đánh giá về Thạch Quỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ (Thái Doãn Hiếu, Thi nhân Việt Nam hiện đại).
Thạch Quỳ: Ông đồ gàn xứ Nghệ (Võ Văn Trực).

12 nhận xét:

  1. http://huyviet.blogtiengviet.net/2011/01/10/var_i_thaosy_a_thaoich_quarsa_van_bani_t
    Với thầy “Thạch Quỳ” và bài thơ “Với con”

    Nhân đọc bài “Nói với các con” bên nhà Bùi Thị Bình
    http://buithibinh.blogtiengviet.net/2011/01/08/nasi_var_i_caic_con

    Năm 1998 bạn tôi nhà thơ Trần Sỹ Kháng, nhân một chuyến nghỉ mát Cửa Lò của phòng nơi anh công tác có tổ chức một cuộc giao lưu, đàm đạo thơ với một số nhà thơ Nghệ An.
    Cũng dịp đó bố con tôi đang nghỉ ở quê, anh gọi điện mời tôi tham gia. Khi tôi đến thì tất cả đã sẵn sàng, tham gia ngoài cơ quan khoảng ba chục người còn có ba nhà thơ khác của Nghệ An, trong đó có thầy Thạch Quỳ (tôi vẫn gọi vậy vì nhà thơ Thạch Quỳ là thầy giáo toán Trung học phổ thông, là thầy dạy của chính Trần Sỹ Kháng). Ngoài ra còn có hai cô đến từ trường Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ An..
    Sau phần giới thiệu đại biểu và nội dung cuộc gặp mặt giao lưu, ca sĩ Ngân Hà hát để khuấy động phong trào. Nhà thơ Trần Sỹ Kháng giới thiệu tập thơ của mình và đọc một bài thơ hay trong tập thơ đó kèm lời diễn giải.
    Đến lượt mình tôi xin đọc ba bài.
    Bài 1 “Với mẹ” của Phạm Thúy Thảo học sinh trường Trung học Phổ thông Phan Bội Châu đăng trên báo Nghệ An năm 1995 (nếu tôi nhớ không nhầm).
    Bài 2 “Với cô” của chính tác giả (QHYD), không đăng đâu cả.
    Bài 3 “Với con” của thầy Thạch Quỳ đăng trên tuần báo Văn Nghệ số đầu tháng 6 năm 1980 nhân ngày quốc tế thiếu nhi (đăng trên trang dành cho thiếu nhi). Tôi phải giải thích rõ vì trong sổ tay tôi ghi ngày đó vẫn còn lưu giữ vì gần đây trên báo Tiền Phong online ghi là số đầu đầu tháng 6/1979 là không chuẩn.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cố tình đọc bài “với con” sau cùng kèm theo những lời cảm nhận của mình để vừa không “đứt mạch diễn thuyết” vừa “kích động” (có thể dùng từ này không sai) nói lên suy nghĩ của mình. Khi tôi phát biểu mọi người lặng đi và kết thúc thì được vỗ tay tán thưởng càng khích lệ thầy Thạch Quỳ.
    Nhấp chén rượu suông (thầy Thạch Quỳ uống rượu triền miên và toàn uống suông), rồi như xúc động, thầy trầm ngâm một lúc, rồi cũng cất giọng nói trầm:
    “Bài thơ tôi rất tâm đắc nhưng nó cũng làm cho tôi lao đao. Thời ấy đất nước vừa thoát ra từ những cuộc chiến tranh, nhiều người cứ thấy rằng chúng ta đã thắng lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc nên lý tưởng hóa cuộc sống cho rằng sau 15 - 20 năm đất nước và cuộc sống của người dân mình sẽ là thiên đường, trong khi, nông dân thu hoạch mỗi ngày chưa được một lạng thóc, công nhân, trí thức hầu hết ăn hạt bo bo. Bài thơ “Với con” là nói với con cái trong nhà nhưng thực ra là muốn tâm sự với tất cả mọi người về hiện thực lúc đó. Khi viết bài thơ này tôi rất thận trọng vì đụng vào sự thật ấy là chuyện lớn, không đùa được.
    Bài thơ ấy không viết bằng thơ mà được viết bằng Toán. Bởi vì Toán là chỉ có những mệnh đề khẳng định hoặc phủ định, chính xác, rõ ràng, minh bạch. Còn thơ là ý niệm, gợi mở, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
    Bài thơ này có hai tầng. Tầng một chẳng có vấn đề gì. Đó là những lời nói với con trong nhà và bám vào những chi tiết thực tế. Ví dụ: Con đi học thì đừng nhìn cây, nhìn cỏ, nghe chim hót mà chậm giờ... Còn nàng Bạch Tuyết con say mê đọc trong cổ tích cũng không thể thay việc chăm chút của mẹ con hàng ngày. Đằng nào rồi cũng phải mẹ thôi.
    Hay là những chuyện như quả đất tròn, vầng trăng tròn mơ mộng cũng chưa cần thiết, cái quan trọng, gần gũi, thiết thực hơn vẫn là cái bánh đa vừng nuôi sống con người. Nghĩa đen chỉ như vậy.
    Mọi vấn đề đều nằm ở tầng hai, nhưng ở tầng hai cũng không đơn giản, phân tích, phê phán chỉ tên tác giả, nếu “lơ mơ” sẽ thành suy diễn. Cho nên do cách hiểu áp đặt qua bài thơ, mọi việc bùng lên thành những chuyện phức tạp. Trong thời điểm bấy giờ sự cố ấy xẩy ra cũng là một lẽ tự nhiên thôi mà”.
    Thầy kể tiếp:

    Trả lờiXóa
  3. “Từ một bài thơ Với con nói chuyện trong nhà nhưng bị đưa ra cuộc họp cho là chống chủ trương, chính sách... Ở thời điểm đó, tôi thấy mình lâm vào hoàn cảnh nan giải phải nghỉ việc cơ quan.
    Tôi không dám đến nhà ai, bởi đến đâu, gặp ai cũng có thể gây phiền. Tôi sắm một cái cần câu, từ sáng sớm đi lang lang ra hồ Thạch, cuối chiều thì về. Câu cá mãi mấy tháng liền cũng chán, trong người thấy quá mệt mỏi.
    Nhân lúc có việc nhà, tôi đã lên tàu ra Hà Nội. Mới sáng sớm chưa rõ mặt người đến nhà người em trai đang là cán bộ giảng dạy, mới nằm khoảng 15 phút đã có tiếng gõ cửa. Một anh công an khu vực đã đến kiểm tra hộ khẩu.
    Thạch Quỳ kể với ngữ điệu buồn buồn.
    Thầy lý giải thêm:
    “Vì bài thơ ấy đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam nên nhiều người ở Hà Nội đều biết. Ở Hà Nội dư luận có hai chiều. Nhiều người nói rằng bài thơ ấy cũng bình thường, chẳng cần phải làm to chuyện lên như trong này.
    Sau đó Hội Nhà văn đã cử một đoàn 6 người vào tổ chức một hội thảo văn học. Đưa thêm một số tác giả như Hồng Nhu, Bá Dũng, Xuân Hoài... ra để cùng thảo luận, đánh giá.
    Bản thân tôi được một số nhà văn nhắc đến nhiều tác phẩm đã viết trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và khẳng định tư tưởng các tác phẩm ấy đều phục vụ cách mạng. Không ai đào sâu vào bài thơ “Với con” nữa...
    Thầy tiếp tục:
    “Tôi viết sự thật, không tính thiệt hơn, được gì, mất gì cho bản thân. Ở thời điểm nào cầm bút viết, thì tôi cũng phải viết những vấn đề bức xúc mà cuộc sống dội vào. Tôi đã không đầu hàng khi đã nhận thức ra bản chất của sự việc. Đó không riêng là nỗi bức xúc của cá nhân mà là sự thúc bách của thời đại, phải khơi dòng mở đường cho sự phát triển.
    Hầu hết các vấn đề tôi viết đều là những bức xúc của đời sống, bài nào cũng mang những câu hỏi lớn cần được trả lời. “Với con” không phải là bài thơ hay vì nó được viết bằng Toán.
    Là một nhà văn đối diện với cuộc sống, thấy vấn đề gì bức xúc, tôi dồn tâm huyết vào để góp phần tháo gỡ những vấn đề cho toàn dân chứ không phải chỉ là những vui buồn nhỏ của riêng mình”

    Trả lờiXóa
  4. Với mẹ

    Phạm Thúy Thảo
    Con bước đi những bươc dại khờ
    Như đứa bé trên đường khấp khểnh
    Mẹ tần tảo chợ chiều hôm giá lạnh
    Đêm trở mình trằn trọc năm canh.

    Nhặt cho mình chút hạnh phúc mỏng manh
    Chiếc lá rơi cũng làm con ngơ ngác.
    Đêm khuya lạnh gió quất hồ tao tác
    Con sững sờ mẹ khẽ gọi tên cha

    Mẹ gọi cha khi cha đã thật xa.
    Con mới hiểu đời còn nhiều giông tố
    Một mình con đâu xua tan nỗi nhớ
    Dẫu yêu thương chưa nguội tắt bao giờ.

    Vói cô.

    QHYD
    Em nguyện làm một tờ giấy trắng
    Trong tay cô họa sỹ cuộc đời
    Vẽ đi cô vẽ viễn cảnh ngày mai
    Vẽ đi cô cho tương lai bừng sáng
    Cô sẽ vẽ những bông hoa hồng thắm
    Hay biển đông thăm thẳm mêng mông
    Hay trời chiều đỏ rực màu hồng
    Hây đêm đông mưa dông gió bão
    Cô vẽ gì mai lớn lên êm hiểu
    Còn giờ đây em mong đợi nơi cô

    Với con

    Thạch Quỳ
    Con ơi con, thức dậy giữa ngày thường
    Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
    Qua đường đất đến con đường rải đá
    Cha e con đến lớp muộn giờ.
    Con ơi con, nàng Bạch Tuyết trong mơ
    Không thể nào yêu con thay mẹ được
    Vì thế nếu khuy áo con bị đứt
    Thì nói lên để mẹ khâu cho.
    Và con ơi, trên ấy Ngân Hà
    Có thể rồi con sẽ lên đến được
    Nhưng đêm nay con cần phải học
    Bốn phép tính cộng trừ hoặc đọc một đoạn thơ.
    Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
    Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
    Thì con hỡi hãy khêu lên cho rạng
    Ngọn đèn con hãy vặn to lên.
    Con ơi con, trái đất thì tròn
    Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
    Tất cả đấy đều là sự thật
    Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
    Mẹ hát lời cây lúa ru con
    Cha cày đất làm nên hạt gạo
    Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
    Bác công nhân quai búa, quạt lò.
    Vì thế những lời cha dặn dò
    Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất
    Cha mong con lớn lên chân thật
    Yêu mọi người như cha đã yêu con

    Trả lờiXóa
  5. http://www.baomoi.com/Nha-tho-Thach-Quy-Chi-gan-voi-nhung-gi-khong-thuc-chat/c/13215207.epi

    Lần đầu tôi gặp nhà thơ Thạch Quỳ là lúc Thạch Quỳ đang ở trong khu nhà chung cư vẹo vọ do CHDC Đức xây cho thành phố "địa chỉ đỏ" của Việt Nam sau chiến tranh chống Mỹ. Bấy giờ, cả Đặng Văn Ký và Thạch Quỳ là những người "anh dũng" đi đầu, từ bỏ nhà tranh tre, giấy dầu, tiến thẳng lên nhà cao tầng, ở Vinh. Không còn nhớ năm bao nhiêu nữa, nhưng lâu lắm rồi. Bấy giờ, tôi chưa là nhà văn, nhà veo gì, chỉ nghe tiếng các lão thì tìm chơi, vậy thôi!


    Thạch Quỳ người gầy, mặt hốc hác, tóc xù rối, trông cũ kĩ như vừa mới được "moi" ra từ một xó xỉnh hoặc một trại cải tạo nào đó. Vòng hai của lão ước chừng chỉ bốn mươi, năm mươi cen-ti-mét là cùng. Bấy giờ lão đau dạ dày. Nghệ An hồi xưa gọi những người đau dạ dày là đau bụng tật. Gặp nhau trong quán nước chè chén của chị Nhã vợ lão, lão chắt trong cái hũ rượu ngâm đã cạn tận đáy, được 3 ly. Tôi, Đặng Văn Ký và lão mỗi người một ly. Thấy thích lão ngay, thích cái bỗ bã, cái nông quê ở lão. Trông lão toát ra vẻ tự tại, an nhiên. Không vồn vã mà vẫn thân tình.

    Thạch Quỳ là giáo viên toán cấp ba Thanh Chương. Cũng giống Đặng Văn Ký, hai ông đồ đang "sướng như vua" trong cái "cõi" làm thầy giáo cấp ba ở cái xứ sở chuộng chữ nhất nước, thì bỗng, các lão bị bỏ bùa, bỏ ngải theo đòi cái nghiệp văn chương đỏng đảnh và vô tăm tích này.

    Thạch Quỳ nổi tiếng từ bài thơ "Với con". Bài thơ này được đăng trên báo Văn nghệ năm 1980, trên trang dành cho thiếu nhi. Bài thơ đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng cũng để lại cho lão nhiều phiền toái, thậm chí hồi đó người ta còn nghi ngờ thái độ chính trị của lão. Nghe nói, tình hình căng tới mức, nhà thơ Xuân Diệu phải thay mặt Hội Nhà văn vào Nghệ An giải thích. Bài thơ có những câu như sau:

    Con ơi con, trái đất thì tròn
    Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
    Tất cả đấy đều là sự thật
    Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
    Vì thế những lời cha dặn dò
    Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất
    Cha mong con lớn lên chân thật
    Yêu mọi người như cha đã yêu con

    ……

    Trả lờiXóa
  6. Thơ Thạch Quỳ hay. Hay ở chất thơ chắt lọc từ một vùng văn hóa trầm tích trong dân ca xứ Nghệ. Hay ở cái chất thông minh sắc sảo của ông thầy dạy toán cấp ba. Hay ở chất thấm đẫm sự xót xa, đắng đót của đời sống xứ sở gió Lào. Hay ở sự dịu ngọt mát lành của nguồn nước sông Lam chảy giữa quanh co đồng bãi, giữa những đồi núi lô nhô như bát úp. Nó vừa có cái chát chúa, đắng đót của kiếp người; vừa có cái mộng mơ lãng mạn của quê hương xứ sở… Thạch Quỳ nằm trong tốp-ten thơ, cùng với những Anh Ngọc, Vương Trọng, Võ Văn Trực… lừng danh xứ Nghệ một thời.

    Lại nhớ có lần về Vinh, đang ở chơi nhà văn Chính Tâm thì Nguyễn Long đến. Nguyễn Long là kiến trúc sư, nhưng ham thích văn chương. Trong câu chuyện có nhắc đến Thạch Quỳ. Nguyễn Long rủ: "Anh có đến thăm anh Thạch Quỳ tôi đưa đi!". Vậy là đi.

    Bấy giờ, Thạch Quỳ đã có nhà bốn tầng ở đường Phong Đình Cảng. Nghe nói do con trai đi xuất khẩu lao động bên Đức mang tiền về xây cho. Nguyễn Long bảo: "Lúc nào nhìn lên lầu bốn thấy đèn đang sáng là lão đang ở nhà. Nhưng như thế là lão đang cúng ở trên đó". Rồi Nguyễn Long kể: "Thạch Quỳ bây giờ làm nghề thầy cúng và xem bói. Khách của lão đông lắm! Có cả khách Thanh Hóa vào, khách Hà Tĩnh ra. Đến nhà, cứ đứng dưới đường nhìn lên, thấy đèn trên lầu tư đang sáng là lão đang cúng". Quả đúng như vậy!

    Tôi và Nguyễn Long vào nhà thì gặp lão. Vẫn xuề xòa, đơn giản như xưa, lão rót nước mời khách, hỏi thăm về công việc về sáng tác. Lão có đọc một vài bài của tôi in rải rác trên báo. Và khen. Khen ít thôi, nhưng có khen. Rồi đột nhiên lão hỏi về bệnh tật. Lão biết tôi bị rối loạn tiền đình. Tôi kể khổ về bệnh tật với lão. Lão bảo: "Lên lầu anh cúng cho. Cúng xong anh bốc cho mấy vị thuốc nam. Em về uống là sẽ khỏi. Anh chắc trăm phần trăm là anh sẽ chữa khỏi bệnh tiền đình cho em!".

    Trả lờiXóa
  7. Dạo đó, tôi đang khốn khổ vì bị chóng mặt liên tục. Thuốc uống hàng tạ không khỏi. Thế rồi gặp Thạch Quỳ. Lão khấn vái Đức Thánh Trần. Tôi đứng bên cạnh, nghe rõ lời lão, đại để: "À hèm! Kính lạy Đức Thánh… con là Vương Đình Huấn (Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn - LHM) ngụ tại… xin thỉnh cầu: Con có thằng em tên là Lê Huy Mậu, quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện em đang làm cán bộ Tuyên giáo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có căn bệnh… Lạy Đức Thánh phù hộ độ trì cho em nó khỏi bệnh… À hèm!".

    Lão bảo tôi lạy Đức Thánh, xong lại sang chỗ thờ gia tiên lạy gia tiên, xong xuống nhà uống nước, xong lão kê cho cái toa gồm ba vị thuốc nam. Một vị là meo (mộc nhĩ) cây duối, một vị là rễ cây cỏ xước, vị thứ ba quên mất. Tôi điện nhờ thằng cháu ở quê tìm meo cây duối. Thằng cháu đốn cả cây duối to, tưới nước mãi mới thu được một nắm meo, phơi khô gửi vào cho cậu. Tôi đã uống thuốc chữa tiền đình của Thạch Quỳ. Và cũng chỉ duy nhất có một lần đó thôi!

    Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu sáng tác. Năm đó, tôi ốm quặt quẹo. Chóng mặt. Đau đầu. Ớn lạnh. Ói mửa. Hốt hoảng. Stress cấp... Nể Nguyễn Trọng Tạo, tôi vẫn theo lão đi uống rượu. Nhưng ngồi xem các lão uống còn không nổi nữa là uống. Một hôm Nguyễn Trọng Tạo tới nhà chơi. Thấy tôi có cái gốc cây khô để trước cửa, lão bảo, vất ngay cái cây này đi. Để cây khô trước nhà ốm là phải. Tôi lại cũng nghe theo. Hôm sau, tôi gọi người đến cho ngay gốc cây về trồng phong lan. Nó hí hửng chở đi ngay. Thế rồi, không hiểu sao, bệnh tiền đình của tôi cũng đỡ dần, rồi khỏi hẳn. Có lẽ nào mình hết tiền đình lại là nhờ thuốc thần, thuốc thánh! Có lẽ nào chữa bệnh cho mình lại chính là hai nhà thơ, chứ không phải bác sĩ nào? Chuyện như đùa vậy mà lại thật. Thế mới lạ!

    Tôi đọc thơ Thạch Quỳ không nhiều. Ngoài những bài thơ của Thạch Quỳ in rải rác trên các báo tình cờ đọc được, có duy nhất một tập thơ được lão tặng. Đó là tập "Cuối cùng cũng chỉ một mình em". Tập thơ mỏng dính. Nó đã ít về số bài, ít về số câu ở mỗi bài, lại ít cả về số chữ trong mỗi câu. Thơ Thạch Quỳ cô lọc đến tận con chữ. Anh cố gắng tối giản chữ trong mỗi câu thơ, tối giản câu trong mỗi bài thơ. Đọc thơ Thạch Quỳ thấy rõ anh đã "lao động" thơ đến xơ xác cả đời!

    Trả lờiXóa
  8. Anh Võ Văn Trực, một người anh, người bạn rất thân thiết của Thạch Quỳ, trong bài viết của mình trên báo Công an nhân dân đã gọi Thạch Quỳ là Ông đồ gàn xứ Nghệ. Theo nghĩa đen thì Thạch Quỳ đúng thế. Ông đồ - Thạch Quỳ là Ông đồ; xứ Nghệ thì Thạch Quỳ không chạy đi đâu được; Còn gàn thì… người Nghệ, trí thức Nghệ, kẻ sĩ Nghệ thảy đều gàn. Gàn theo nghĩa là ít hòa đồng, là ngang, là bướng, là lập dị trong mắt đám đông. Thạch Quỳ gàn, theo anh Trực là thích cà pháo mắm tôm, cả khi được người đẹp mời cơm cũng khoai luộc, cà pháo, và mắm. Thạch Quỳ gàn nhưng không phá ngang. Lão chỉ gàn khi gặp những gì không thực chất, những gì hình thức, giả dối mà thôi!

    Tôi đã có dịp về thăm nhà thờ họ Vương ở Trung Sơn của lão. Tính ra, họ Vương lưu lạc vào sinh cơ lập nghiệp ở Đô Lương khoảng 11 đời, tính đến thế hệ Vương Đình Huấn - Thạch Quỳ. Trung Sơn là vùng đất khá trù phú. Cánh đồng lúa nước trải trước làng như tấm thảm xanh, chưa tới mức mênh mông nhưng cũng có thể gọi là thẳng cánh cò bay. Phía sau làng là con đường quốc lộ 15. Bên kia đường 15 là cánh bãi, phù sa sông Lam mang đến cho người dân nơi đây những rau trái bốn mùa lắm thức, lắm món thật dồi dào, phong phú.

    Bác Vương Đình Trâm, anh ruột nhà thơ Vương Trọng đưa tôi đi thăm hết 11 ngôi nhà thờ họ, từ nhà thờ tổ họ Vương tới nhà thờ các chi, các nhánh trong cây gia hệ họ Vương của bác. Họ Vương, cùng họ Nguyễn Cảnh ở đất Đô Lương là những dòng họ lớn có nhiều khoa bảng đỗ đạt. Họ Vương có nhiều nhà thơ như Vương Trọng, Thạch Quỳ, Vương Cường, Vương Duyệt, Vương Đình Trâm… vv… Bác Trâm tặng tôi tuyển tập thơ họ Vương dày cả ngàn trang. Thơ của một dòng họ, mới chỉ hơn mười đời trở lại đây đã dày dặn thế, chất lượng thế. Không biết ở Nghệ An còn có dòng họ nào được như thế nữa không?

    Thạch Quỳ và Vương Trọng là vai chú, vai cháu với nhau nhưng cũng sàn sàn tuổi nhau. Vương Trọng học Tổng hợp Toán, còn Thạch Quỳ học Sư phạm Toán. Có nhiều cái cùng nhưng hai nhà thơ họ Vương này khác nhau xa lắm. Thạch Quỳ cá tính, gai góc còn Vương Trọng thì nho nhã, chuẩn mực. Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ, cũng hai nhà thơ đồng hương mình thân, sơ như nhau, vậy mà khi vẽ chân dung Thạch Quỳ, mình có tứ trong đầu ngay, còn Vương Trọng thì chịu, thì khó quá! Hóa ra, nhà thơ càng lộ diện phần ngoài thơ bao nhiêu thì càng dễ vẽ chân dung về họ bấy nhiêu!

    Về Nghệ An, rủ Thạch Quỳ ra một cái quán cóc làm vài chai Halida. Trông Thạch Quỳ chẳng khác gì những hạt bụi giữa đám bụi người đông đảo. Nhưng đánh hai chữ Thạch Quỳ vào Google thì có hàng vạn thông tin về lão.

    Lần gặp Thạch Quỳ gần đây nhất, tôi rước lão đi uống bia, lão bảo: "Anh đang bỏ dần: bỏ thuốc lá, bỏ rượu và đang trên đường tiến tới bỏ bia".

    10/2/2014

    Trả lờiXóa
  9. https://lh6.googleusercontent.com/-j0dRKaj477o/VMLibRz2deI/AAAAAAAABgw/hd-aJPzrGjg/w227-h287-no/thach_qu%25E1%25BB%25B3%2Bsinh%2B1941.jpg

    Trả lờiXóa
  10. https://quechoablog.wordpress.com/2010/05/26/thach-quy-ong-do-gan-xu-nghe/

    Mấy hôm đi chơi khu 4, tới Vinh vào buổi trưa nắng gắt, mấy anh em tìm chỗ nào mát mẻ nghỉ ăn trưa, nhác thấy khách sạn 3 sao có tên Thượng Hải, bình thường chẳng dám sờ vào mấy khách sạn lắm sao này đâu nhưng thấy cái tên hơi lạ, nói thật là ngứa mắt nên rủ nhau kéo vào, xem thử chủ khách sạn có phải là ông Tàu không.

    Té ra không phải, chủ khách sạn có tên là Thượng Hải thì lấy tên khách sạn thế thôi. Giám đốc điều hành là một anh đẹp trai lồng lộng thấy Đỗ Trung Quân thì mừng lắm hết lòng đón tiếp, anh em được bữa no say nhờ Quân, ai nấy cười tít mắt. Khi tiễn mình ra xe, anh Giám đốc điều hành ghé sát tai mình thì thầm, nói anh Lập về Vinh không ghé thăm bác Thạch Quỳ chút à, mình chẳng biết nói sao chỉ cười trừ.

    Mình gọi điện cho Tuyết Nga, nói Thạch Quỳ dạo này thế nào. Tuyết Nga cười hi hi, nói ôi giời như một bộ rể bị bật ra khỏi đất, đắp chăn ngủ suốt ngày, chán đời lắm. Lại còn đẻ ra trường phái thơ bộ xương. Mình nói thơ gì, Tuyết Nga lại cười hi hi hi, nói thơ bộ xương. Mình nói thơ bộ xương là thơ gì, Tuyết Nga cười hi hi hi, nói em có biết thơ gì đâu, ông này mỗi ngày không đẻ ra một cái gì mới là không chịu nổi.

    Kỳ thực trong bụng cũng muốn gặp Thạch Quỳ lắm nhưng chương trình đã set up từ Hà Nội mình chẳng dám thay đổi, sợ phiền anh em. Thêm nữa mình đã hai chục năm rồi không đến nhà anh, quên mất nhà, điện thoại lại không có. Đó cũng chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là mình sợ anh em không quen tính cách ông đồ gàn xứ Nghệ, mất vui.

    Cái ông đồ gàn này đẻ ra dưới chân núi Quỳ tính cách cứng như đá, đến xứ Nghệ hỏi trăm người thì có đến trăm rưỡi người biết anh nhưng đa phần đều nể sợ, chơi thân thì rất hiếm. Mình đến Hội văn Nghệ hỏi nhà Thạch Quỳ đâu, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, hẹn đến chơi nhà anh thì mắt trước mắt sau nói cười nhàn nhạt, kiếm cớ chuồn hẳn.

    Tính gàn có từ thời trẻ, làm giáo viên toán dạy cực siêu nhưng soạn giáo án chẳng giống ai, lên lớp chẳng giống ai, chấm điểm chẳng giống ai, đối xử với học trò cũng chẳng giống ai. Anh nói với học trò tôi ăn lương nhà nước không phải để đi truyền thụ kiến thức đâu nhé, các anh chị đừng có mơ, lương nhà nước trả tôi chỉ vừa đủ cho tôi gợi mở kiến thức thôi, kiến thức không phải mấy món đồ mồi thầy cô bày ra cho các anh chị chén đâu, muốn giỏi giang thì liệu thần hồn tự đi mà kiếm lấy .

    Có người nghe được hỏi anh tại sao lại nói với học trò như vậy, anh cười khấc khấc, nói bởi vì học trò của tôi không phải là những con vẹt, chúng là con người, con người viết hoa hẳn hoi đấy nha chứ không phải hạng cá ươn như các anh đâu. Từ khi vác ô đi làm anh công chức nhà nước Thạch Quỳ đả đồng sự kiểu đó nhiều vô thiên lủng, người ngoài nghe sướng rêm, kẻ trong giận tím ruột.

    Khoảng năm 1967, 1968 chi đó khi anh còn dạy ở miên tây Nghệ An, nghe có người xin ra HTX, nhà trường cử anh về tận nhà gặp gỡ động viên giải thích cho người này. Anh tới hỏi răng bác bỏ HTX? Người này cười cái hậc, nói tui như con gà, muốn ở trong chuồng lắm chớ! Nhưng trong chuồng có con cáo, có ai bắt cáo cho mô mà vô. Thạch Quỳ gật gà gật gù, nói hay hay giỏi giỏi, rồi đi kể chuyện khắp nơi. Ông xếp huyện gặp Thạch Quỳ, nói anh là thầy giáo tại sao lại đi tuyên truyền lời lẽ của bọn phản động. Thạch Quỳ cười khấc khấc, nói chính bác mới là thằng phản động, bởi vì bác cấm đoán những lời nói thật.

    Trả lờiXóa
  11. Tất nhiên sau đó Thạch Quỳ mất dạy, hi hi. Anh bỏ giáo dục sang hẳn làng văn nghệ, tình hình chẳng khá hơn, đồ gàn gặp đồ lót đồ hèn đồ dơ chịu làm sao thấu. Năm 1979, 1980 chi đó anh làm bài thơ Với con ai cũng khen hay, báo Nhân dân đăng lại đàng hoàng nhưng trong tỉnh nổi lên một cơn sóng thần phản ứng dữ dội. Xuân Diệu ba chân bốn cẳng chạy về Vinh, Hội nhà văn cử hết đoàn này sang đoàn khác về giải thích này nọ nhưng chẳng ăn thua, cơn sóng thần ngày một lan toả, ai cũng lo cho anh, mình cũng lo. Mình gặp anh ở Hà Nội, nói răng rồi tình hình răng rồi, anh nhăn răng cười, nói tình hình là rất tình hình. Rồi anh nốc cạn ly rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói è he, mần cặc chi tao.

    Dạy học bỏ dạy, làm tạp chí văn nghệ được mươi số cãi nhau với mấy ông khóm róm không xong, anh phất áơ “ từ quan”, nói è he ẻ ẻ quẹt quẹt, ba vạn cũng bỏ. Năm 1996 gặp anh ở Hà Nội, anh kéo mình vào quán, nói này, ông làm báo với tôi nhé, thằng bạn tôi ở Bộ giao thông mời tôi ra làm báo Tiếng còi. Mình cười hì hì, nói anh thổi còi hay bạn anh thổi còi? Nếu hơi của anh còn việc thổi là của bạn, anh có chịu không. Anh uống cạn chén rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói rứa thì ẻ vô.

    Được vài tháng gặp anh ở ga, anh kéo vào quán, nói tôi lại về Nghệ đây. Mình hỏi sao, anh ngồi yên không nói, uống rượu tì tì, một lúc nhổ nước bọt cái toẹt, vỗ vai mình cái bộp, nói này ông, tôi sống với mấy đứa ác còn dễ chịu hơn sống với mấy đưa ngu. Mình chẳng biết nói sao, chỉ khẽ vỗ nhẹ vai anh, nói thôi anh về quê tiếp tục công tác rượu chè gái gú cho khoẻ xác. Anh nhăn răng cười, nói phải phải, mạng tôi chỉ hợp với gái thôi, chẳng hợp với thằng đéo nào.

    Mình cười khì, nói anh phét vậy thôi chứ anh tán gái vụng bỏ cha. Mấy cô yêu thương ngưỡng mộ thì anh coi người ta bằng nửa con mắt, mấy cô coi anh bằng nửa con mắt thì anh đánh đu suốt đời, cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Anh cười khấc khấc khấc, nói rứa mới đồ gàn. Tôi mê gái từ lúc sáu tuổi, không nói phét đâu nhé, các cô gái đẹp trong làng tôi đều mê, bất kể họ hơn tôi vài chục tuổi. Ra đồng tôi cứ bám theo họ, lắm khi họ phát điên, đuổi đánh chí chết. Đường từ làng ra đồng có hai hàng cây xương rồng, cứ một đoạn tôi lại khắc tên một cô tôi mê vào cây xương rồng, sáu bảy chục cô cả thảy. Cô nào cười chồng tôi mò đến đám cưới đứng đầu ngõ đái một phát rồi bỏ chạy, coi như trả thù xong. Dứt lời anh cười to, nói bây chừ thì đi mô cũng mò về mụ Nhã, ẻ vô gái gú, quẹt quẹt.

    Chị Nhã vợ anh xưa xinh đẹp nhất làng, yêu anh từ 13 tuổi, đến 16 tuổi thì theo anh bôn ba cho đến bây giờ, khổ đau đói nghèo đắng cay đủ hết không một lời ca thán. Hôm mình đến chơi nhà, bất ngờ thấy chị quá xinh đẹp so với anh. Chị lúi húi tất tả hết vào bếp xáo nấu, ra vườn hái rau, xuống bể rửa chén, nói mãi chị mới chịu ngồi vào mâm. Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị hôn cái chụt, nói em có biết anh mơ gì không, anh mơ sáng mai ngủ dậy, bên anh không phải là em mà là một con hươu sao.

    Mọi người cười, chị cũng cười rất tươi. Mình nói anh nói thế mà chị không giận anh à. Chị lườm yêu anh, nói cả tỉnh cả nước giận ông này rồi, chị giận nữa thì ông sống với ai. Anh cười khấc khấc khấc, nói anh nói chơi vậy thôi, bây giờ anh vô dụng rồi, anh ước anh biến thành con hươu sao để em bán đi lấy tiền nuôi con không thì cực quá.

    Chị không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra mấy cục đắng ngắt.

    Trả lờiXóa
  12. http://www.baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201508/nha-tho-thach-quy-chon-dat-que-de-gan-bo-mot-doi-2623616/

    http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/thach-quy-nguoi-nuoi-ao-mong-giua-chiem-bao

    http://thoibaonganhang.vn/lat-cat-thach-quy-22448.html

    Trả lờiXóa